XtGem Forum catalog
DMCA.com Protection Status


Mùa nắng tắt.

(Lời tác giả: Một câu chuyện đúng với tuổi hơn. Dài. Và lan man. Một câu chuyện không thật từ những con người và những mảnh kí ức có thật được chắp vá.)

Tặng những người bạn cùng lớp.

xxx

- Mọi người đóng tiền để ngày mai liên hoan ở nhà Chi cho tớ nhé! – Thằng Thắng chống nạnh đứng trên bục giảng, gõ cái ê-ke gỗ côm cốp lên mặt bàn – Mỗi người hai lăm ngàn thôi.

- Hừ, sao lại vào cuối tháng? Tiền tiêu vặt vừa mới bay đi như cánh hoa bồ công anh sau vụ Trung thu rồi còn gì. – Thằng Nguyên vuốt vuốt cái cằm trơn nhẵn không một cọng râu – Nhằm đúng lúc tình hình kinh tế đang khó khăn trầm trọng thế này mà liên hoan à? – Nó giả bộ móc lấy móc để cái túi quần, cuối cùng trang trọng vứt toẹt tờ một nghìn xuống mặt bàn – Đây, có ai bố thí cho tôi hai tư ngàn nữa để đi liên hoan không?

- Chỉ cần đến rửa bát thôi, không cần ăn đâu.

Tôi cười, vỗ vỗ vai nó đầy châm chọc, rồi chợt quay sang bên phải. Khánh Duyên đang ngồi, cách tôi một lối đi, vẫn im lặng trong cái ồn ào, trong những tiếng bàn tán xôn xao để đọc một cuốn sách ngôn tình Trung Quốc rẻ tiền vẫn bày bán đầy ngoài chợ trên những chiếc bạt xanh bẩn thỉu. Mái tóc dài đến bắp chân buộc bằng một chiếc cặp đen như màu tóc, gương mặt Duyên trắng bợt, để mái ngố dài đến gần chạm lông mi. Chiếc váy đồng phục xanh có lẽ là thứ duy nhất màu sắc trong bức tranh chân dung vô hồn ấy.

Khánh Duyên nhìn không xinh, cũng chẳng xấu, ngoại hình trung bình; Khánh Duyên học không giỏi, cũng chẳng kém, học lực trung bình; Khánh Duyên đi không nhanh, cũng chẳng chậm, tốc độ trung bình; rồi chiều cao trung bình, cân nặng trung bình, giọng nói trung bình, vân vân và vân vân… Nói tóm lại, hầu như tất cả các mặt đều trung bình ấy làm cho Duyên trở nên nhạt nhòa, chìm lỉm trong đám học sinh nói nhiều như máy và cười to như vỡ chợ của lớp tôi.

Để rồi khi tôi đang bước đi trên con đường dài và bất chợt nhìn lại thì nhận ra đã bỏ quên ai đó ở phía sau, có lẽ là hơi muộn. Vì chúng tôi chỉ còn hơn nửa năm nữa thôi, nửa năm để đong đầy những kỉ niệm của năm cuối cấp. Và biết làm sao được khi chính cậu ấy không bao giờ gọi chúng tôi quay lại?

- Có đi không Duyên? – Tôi đánh tiếng hỏi, thở dài, đánh dấu một sự nỗ lực kéo cậu ấy về phía trước của mình.

Khánh Duyên ngẩng đầu lên, đôi mắt lộ rõ sự ngạc nhiên, và tay ngưng lật trang sách mỏng dính. Tôi ngạc nhiên khi thấy trán cậu ấy lấm tấm mồ hôi, và đôi môi tái nhợt. Nhưng cậu ấy chưa kịp trả lời thì bàn cuối cùng đã vọng lên một giọng nói mỉa mai:

- Để Duyên ở nhà đọc hết chỗ sách tình yêu lãng mạn đấy, Duyên nhở? – Thu Linh cười cười – Đọc cho đời nó tươi, nhiều màu hồng thế kia mà, đi làm gì, toàn thịt cá nọ với chả rau kia, không hợp với cậu đâu. – Rồi Linh quay sang thằng Thắng, lúc này đã yên vị ở chỗ - Hai lăm đúng này, tiền sạch tinh tươm vừa lấy từ máy giặt ra đấy, chỉ dùng để đi chợ thôi đấy, đừng có ăn bớt mà ra net ngồi.

Khánh Duyên định nói gì đó, nhưng rồi lại im lặng. Cậu ấy nhún vai, đẩy gọng kính lên, tiếp tục dí sát mắt vào những trang giấy tèm nhem chữ.

- Bị ốm hay sao mà ra lắm mồ hôi thế? – Tôi nhíu mày, hơi lo lo.

Nhưng Duyên vẫn im lặng. Lại chỉ dùng một cái nhún vai để trả lời.

Tôi thở dài, quay lại với đám bạn và chuyện ăn uống. Có lẽ, không phải chúng tôi bỏ lại Khánh Duyên ở phía sau, mà chính cô bạn câm lặng ấy tự đi lùi lại, để mặc cho chúng tôi bỏ xa. Đôi khi, có những người mà ta cố gắng đến mấy cũng không thể hiểu được, họ cố thu mình vào trong chiếc vỏ ốc sần sùi, hoặc nhảy xuống chiếc giếng sâu thăm thẳm ngập nước và nhấn chìm mình trong ấy, họ không để cho ta thực hiện được bất kì nỗ lực vớt họ lên khỏi vũng nước hay đập tan những chiếc vỏ. Như Khánh Duyên chẳng hạn.

Và chẳng dễ gì thích một ai khi ta không thể nói chuyện hay hiểu được họ. Sự im lặng của họ bị đánh đồng với thói kiêu căng, ngạo mạn, khinh người, và ấy là nguyên do cho biết bao sự mỉa mai châm chọc. Đã có lần tôi thấy cậu ấy đỏ bừng mặt mũi vì giận và vì ngượng khi bị trêu chọc quá mức, nhưng chỉ thế thôi, rồi bàn tay cuộn lại thành nắm đấm cũng phải thả lỏng, các cơ mặt đang nhăm nhúm giãn ra, và cậu ấy tự trấn tĩnh mình bằng một tiếng thở hắt.

Cũng đúng thôi, ta phải học cách hòa đồng với mọi người, vì ta luôn sống trong một tập thể, một xã hội, ta phải học cách nói và cách để làm cho tiếng nói của mình có trọng lượng. Những ai không biết cách hòa đồng, kẻ đó phải tự chấp nhận.

Tôi đã luôn tự nhủ mình như thế.

Đông đến, kéo đi những vệt nắng cuối cùng. Nắng tàn trên những bông hoa mướp vàng đậu trên mấy phiến lá xanh rì to bằng hai bàn tay, nắng tàn trên những giọt sương đêm lành lạnh đọng trên lá cỏ dài xơ xác. Những dây thiên lý rung rinh trong gió, và giàn bìm bịp chỉ còn lại những cánh hoa khô, đua nhau rủ xuống như những con nhộng đang cuộn mình để chuẩn bị biến thành bướm.

Mùa nắng tắt.

Lớp học những ngày cuối năm ồn ã với những câu chuyện liên tu bất tận về mấy bộ phim Đài Loan lâm ly bi đát công chiếu trong dịp mùa đông kể lại câu chuyện có những chàng trai cô gái yểu mệnh, về những cuộc chuyển nhượng cầu thủ buồn cười và hài hước của mấy đội bóng lớn châu Âu, về các concept của những chàng trai cô gái Hàn Quốc xinh tươi trong vài nhóm nhảy nổi tiếng lưu diễn quanh Đông Nam Á. Chúng xúm lại thành mấy đám tụ trong một góc, tụi con gái thì chơi trò nối chữ, còn đám con trai thì xúm đen xúm đỏ quanh cái máy tính nhìn thằng ngồi giữa chơi Dragon City, hoặc dưới lớp, một lũ chơi bài thi thoảng lại rộ lên tràng cười sung sướng khi đá được thằng nhất năm ván liên tiếp ra ngoài.

Mọi chuyện vẫn diễn ra như thế, chẳng có gì thay đổi, trong chuỗi tuần hoàn đều đều của thời gian, của ngày đêm, cứ trôi đi nhanh như một cơn gió thoảng.

Khánh Duyên đến lớp, lặng lẽ bước vào chỗ ngồi như một bóng ma.

Dạo này, tôi rất hay cảm thấy bất an với cậu ấy. Những tiếng ho cố gắng kìm nén, những lần cậu ấy ôm ngực và nhăn nhó, tưởng chừng như đau đớn đến quằn quại nhưng luôn từ chối bất kì hành động giúp đỡ hoặc lời khuyên đi xuống phòng y tế từ các cô giáo. Cậu ấy rất hay xin phép ra ngoài với bàn tay áp chặt lên miệng, còn cổ họng thì cứ trồi lên hạ xuống mãi. Rồi khi vào, Duyên gục đầu lên mặt bàn, khóe môi còn dính những vệt đỏ sẫm lạ lùng và một mùi tanh rất dễ nhận.

Mùi của máu.

Tôi đặt bộ bài đang tráo vào tay Nguyên để nó chia và nhíu mày. Mối nghi ngờ và nỗi bất an với Duyên của tôi hôm nay đang tới mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể là vì trên tay cậu ấy không cầm bất kì quyển sách rẻ tiền nào như mọi hôm, có thể là vì bộ tóc dài thượt đến bắp chân kia đã bị cắt ngắn đến ngang vai khiến cậu ấy trông như một con búp bê Nhật với làn da trắng toát như khăn tang. Hoặc cũng có thể là vì lần đầu tiên tôi thấy sự căng thẳng, mệt mỏi, chán chường cùng một chút nhìn như đau đớn lại hiện rõ trong đôi mắt và trong những giọt mồ hôi đầm đìa khắp khuôn mặt Duyên đến thế.

Tôi chỉ nhìn và cố phân tích thật nhanh trong đầu. Cho đến khi Khánh Duyên gục xuống mặt bàn.

- Này! – Tôi đứng dậy, lay lay người cậu ấy – Có sao không?

Không có một động tĩnh nào đáp lại.

Gương mặt Duyên vẫn trắng bệch, còn đôi mắt nhắm nghiền, hai tay buông thõng xuống nền phòng vương đầy những vỏ kẹo và hột ô mai mà lũ trực nhật lười biếng vẫn chưa quét hết.

Cậu ấy đã xỉu. Ngay trước mặt tôi.

Bệnh viện chỗ chúng tôi không như bất kì bệnh viện nào vẫn được mô tả trong những câu chuyện và những bộ phim. Không trắng, không sạch sẽ, không mùi ê te và nước khử trùng. Không có cả những bệnh nhân mệt đến sắp lả ngoài cửa, không có những người bác sĩ và y tá mặc áo blouse trắng chạy đi chạy lại tất bật, không có cả tiếng xì xào, tiếng khóc than. Vắng lặng. Như một nấm mồ lớn.

Chúng tôi đứng chật cả một dãy hành lang, lặng lẽ nhìn Khánh Duyên được đưa vào trong phòng cấp cứu và cánh cửa lớn nặng nề khép lại. Gương mặt mấy vị bác sĩ nhăn nhó và khẩn trương đến lạ kì. Tôi vẫn như còn thấy chiếc váy xanh đọng những giọt nước mắt thấp thoáng quanh đây.

Bác sĩ nói, bệnh của Duyên đã nghiêm trọng lắm rồi. Và rằng đáng lẽ ra cậu ấy phải đến đây sớm hơn.

Biểu hiện của bệnh giống như ung thư phổi.

Phải, chính nó. Ung. Thư. Phổi.

Tôi phải lấy cả hai bàn tay để kiềm tiếng kêu hốt hoảng bật ra, đầu gối gần như khuỵu xuống, và phải tựa vào người Nguyên cho khỏi ngã. Những vệt máu ấy, những lần ho ấy, những cơn đau ngực quay quắt ấy, tất cả là biểu hiện của bệnh ung thư ư? Ung thư phổi, căn bệnh ấy vốn đã chẳng xa lạ gì đối với lũ nghiền phim Hàn hay Đài Loan Trung Quốc…

Chuyện này có thật sao? Nó đang xảy ra thật sao? Với chúng tôi? Ở đây? Vào khoảnh khắc này?

Tôi tự bật cười, tự muốn vả vào mặt mình. Tất cả những sự đau đớn và khó chịu kia của Khánh Duyên, tôi đã thấy hết. Nhưng tôi đã làm gì? Chẳng gì cả. Tôi đã gần như biết, tôi đã lờ mờ đoán được, tôi đã nghi ngờ, nhưng cái lờ mờ không chắc chắn ấy đã góp phần gián tiếp làm bệnh của bạn tôi nặng hơn. Chính sự vô tâm đến vô tình, sự thờ ơ, coi như đó chỉ là chuyện của người dưng và chẳng làm gì cả, đôi khi còn làm ta dằn vặt và khổ tâm hơn cả khi không hoàn toàn không hay biết.

- Cậu ấy sẽ không sao, không sao mà, phải không? – Thu Linh nhìn tôi, lắp bắp trong nghẹn ngào, ánh mắt hoảng sợ đến khôn cùng. Cả người cậu ấy run lên bần bật – Các bác sĩ cũng có thể chuẩn đoán sai mà, cũng có thể đấy chỉ là bệnh gì đấy nhẹ thôi nhưng biểu hiện giống ung thư chẳng hạn. Đúng rồi, đúng thế rồi, phải không, phải không An? – Cậu ấy giật giật tay áo tôi, những câu nói lặp đi lặp lại.

Nguyên thở dài, nhắm nghiền mắt lại. Tôi cầm chặt lấy tay cậu ấy. Thằng bạn thân nhất của tôi là đứa hiểu rõ về ung thư phổi hơn ai hết, căn bệnh ấy đã cướp đi người bác mà cậu ấy yêu quý nhất. Cậu ấy biết rõ căn bệnh ấy di căn nhanh đến nhường nào.

- Tại sao cậu ấy có thể giấu chúng ta trong một quãng thời gian dài đến thế, hả An? – Thắng hỏi tôi, mà như hỏi tất cả mọi người. Câu hỏi rơi tõm vào một quãng thinh lặng.

Không, câu hỏi không phải vậy. Nó phải sửa thành “Tại sao chúng ta lại có thể không biết trong một quãng thời gian dài đến thế?”

Bẵng đi một lúc lâu sau đó, không ai nói với ai câu nào, tất cả chỉ còn biết lặng lẽ nắm tay nhau mà cầu nguyện. Cầu nguyện như những gì Thu Linh đã nói. Cầu nguyện cho các bác sĩ chuẩn đoán sai, cầu nguyện cho cậu ấy chỉ bị một căn bệnh nhẹ nhàng.

Hay nói cách khác, chúng tôi cầu nguyện cho một phép màu.

Chỉ khi người mà ta vẫn chì chiết, vẫn cay nghiệt vì một lý do không chính đáng bấy lâu nay đã đi tới lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, thì ta mới thấy những hành động của mình khi xưa là ngu ngốc, là lỗ mãng, là ích kỉ, là thiếu tình người đến nhường nào. Và khi ấy, ta chỉ mong cho thời gian được dài ra để mà bù đắp, mong cho thời gian được quay lại để sửa những lỗi lầm. Như chúng tôi bây giờ, tất cả, không chừa một ai đều đang đứng lặng ở nơi đây, cùng trông đợi đến khoảnh khắc cánh cửa cót két mở ra. Những bàn tay chợt buông, còn đôi mắt thì ngước lên đầy hy vọng.

- Bạn của các cháu còn hai tháng.

Chỉ bảy chữ, nhưng cũng đủ làm chúng tôi chết lặng. Sững sờ.

Chưa bao giờ tôi muốn vứt đôi tai mình đi đến thế.

- Theo chuẩn đoán của chúng tôi thì ung thư đã đến giai đoạn cuối rồi. Bệnh viện sẽ chuyển bạn ấy lên tuyến trên. – Người mặc áo trắng lắc đầu nhè nhẹ - Còn bây giờ, tốt nhất là đừng vào, để cho bạn ấy ngủ. Dường như lâu lắm rồi cô bé chưa ngủ được.

Nói rồi, người ta lại đóng cửa, còn lũ chúng tôi, hầu hết đều vùng dậy chạy đi, cách thật xa nhau ra, mỗi đứa đều tìm cho mình một góc riêng mà gieo mình vào nỗi sợ hãi không dám tiết lộ cho bất kì ai. Có những đứa không ghìm được, tiếng khóc bật ra, rồi nó ôm lấy đứa bạn thân của mình mà òa lên nức nở, nhưng lại có những kẻ chỉ lặng thầm để cho nước mắt rơi rồi đưa ống tay áo lên lau thật nhanh, hoặc đông cứng những cơ mặt của mình lại để không khóc.

Như Khánh Duyên có lẽ đã làm với những nỗi đau của cậu ấy.

Phải rồi, nỗi ân hận của chúng tôi, nỗi đau đớn về tinh thần của chúng tôi khi sắp mất đi một người bạn, làm sao có thể so sánh được với nỗi đau về thể xác mà cậu ấy phải chịu đựng? Chúng tôi chỉ còn hai tháng, chỉ còn 60 ngày, còn 1440 giờ, 86400 phút hay 518400 giây để bù đắp những tổn thương, ghẻ lạnh và xa cách mà chúng tôi đã gây nên trong vòng ba năm trời, cũng là cậu ấy chỉ còn chừng ấy thời gian để sống, để hít thở và để nhìn ngắm thế giới.

Thời gian, nó là gì, mà sao lại ít ỏi đến thế, sao lại cay nghiệt đến thế?

Biết vậy, nhưng làm thế nào được? Cuộc đời, và mọi thứ vẫn tuần hoàn và trôi theo quy luật muôn đời, mãi mãi không thể thay đổi, vẫn ngày, rồi đến đêm, vẫn gió, rồi lại ngừng, vẫn mưa, rồi trời lại tạnh.

Chỉ có điều, nắng vẫn tắt. Trời vẫn rợn ngợp một màu mây.

- Tớ mở cửa sổ ra nhé! – Nguyên cười khoe chiếc răng khểnh với người đang nằm trên chiếc giường trắng – Tí nữa Dương chuối đến thì cậu sẽ lấy được bài tập.

Chiếc rèm được kéo ra, cửa sổ mở toang. Ánh sáng nhàn nhạt hắt lên chiếc quạt trần, in thành ba vệt bóng dài trên cửa chính. Bệnh viện cấp Trung ương đã đưa cho chúng tôi một tập hồ sơ, ghi rõ rằng Khánh Duyên bị ung thư phổi. Chính xác là giai đoạn cuối. Tập hồ sơ chấm dứt mọi hy vọng về một phép màu của lũ trẻ con tin vào ông Bụt. Họ chuyển Duyên về bệnh viện tỉnh để nhường chỗ cho những người khác, hay nói kiểu khác, họ ngầm bảo chúng tôi chuẩn bị khăn trắng và khói nhang. Chúng tôi hiểu, nhưng chẳng ai đả động gì tới chuyện ấy. Duyên vẫn luôn ở đây với chúng tôi cơ mà?

Bệnh viện tỉnh nằm giữa một bên là đường quốc lộ, bên kia là cánh đồng tít tắp, và chúng tôi đã đặc biệt yêu cầu cho Duyên một phòng nằm ngay sát cánh đồng bắp cải đang đến thì thu hoạch. Duyên vẫn cùng mấy đứa con gái chúng tôi tưởng tượng những gì đã xảy ra với cánh đồng trước khi trồng những luống bắp cải kia. “Có lẽ là một đám cỏ mọc cao như sân bóng trường mình.” – Thu Linh tưởng tượng. Chúng tôi đều nghĩ về cái sân bóng trường lúc nhúc cỏ gà, cỏ ấu, vàng thành từng vạt. Trường cấp I nằm ngay cạnh trường cấp II của chúng tôi, cho nên hồi còn là những cô cậu học trò lớp ba bé loắt choắt, cả đám vẫn thi thoảng nhảy sang vào giờ ra chơi và tiết thể dục để cấu những ngọn cỏ ấu hình giọt nước to bằng đốt tay út, tách ra và lấy những con sâu trắng bé xíu xiu ngoe nguẩy bên trong. Rồi khi đầu móng tay đen kẹt và chiếc áo trắng nhuốm màu nâu hết, thì chúng tôi thả đám cỏ ấu vào trong những chiếc vỏ bim bim rơi đầy phía ngoài sân và cất chúng trong ngăn bàn, khiến mỗi lần dọn dẹp lớp là cả một cơn ác mộng.

"Hoặc là một vũng bùn như cái lần tớ đã tuột cả giầy vào trong đấy ấy." - Thắng chép miệng. Chúng tôi cười rộ lên, đứa nào cũng nhớ lại những ngày cuối tháng tám, đầu tháng chín khi sắp bước vào năm học, sau mấy tuần mưa ngâu rả rích thì cả cái ao cạn nước cạnh nhà vệ sinh đã biến thành một vũng sình to nhất quả đất, bên cạnh là một hố rác với cơ man nào là hộp sữa chua sữa tươi, vỏ bim bim bánh kẹo bị quăng bừa vào đợi ngày lấp đất. Lũ con trai lớp tôi cứ coi đó là sân cát tập nhảy xa, những tiếng huỵch, bịch, bộp vang lên trong cơn nắng tháng tám gay gắt, va vào những con sâu đo nhỏ xíu đung đưa trên những sợi dây mong manh như tơ nhện. Thằng nào cũng biết rằng chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là sẽ thọt lỏm vào trong đống rác thơm mê ly lừng cả một khoảng sân, nhưng vẫn chẳng thể cưỡng lại được thử thách ấy. Chiếc giày năm nào lặn sâu trong bùn vẫn được thằng Thắng cất công moi lên, mang ra vòi nước nhà vệ sinh kì cọ và dùng cho đến tận bây giờ.

"Có thể cũng là cả đám cây điệp đầy sâu đo rồi bị chặt hết như ở trường mình." - Tôi chống cằm vào thành cửa sổ. Trong đầu mỗi đứa lại tái hiện những giờ học chỉ ngồi nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, đếm từng chiếc lá mùa đông cuối cùng còn sót lại trên cây giống như cách người ta vẫn hay đếm cừu để chìm vào giấc ngủ không mộng mị nhiều dớt dãi; những kẻ còn thức thì ngoáy như sâu hòng tìm được một cái đồng hồ để lẩm nhẩm như tụng kinh từng giây, từng giây một cho đến lúc trống đánh. Rồi đến khi hàng điệp bị cắt hết để chuẩn bị xây khu thể thao, lòng tất cả lại thấy trống vắng đến lạ. Trời vẫn cứ xanh vậy, không gian bốn mùa vẫn như thế, nhưng mỗi lần nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy một khoảng không bao la đến trống trải, thì mỗi chúng tôi đều không khỏi hụt hẫng, như những viên gạch vỡ chất đầy khoảng sân dưới kia đang lẫn trong đám bụi xi măng xám xịt.

Còn giờ đây, chúng tôi chụm lại bên cửa sổ của một phòng bệnh, nhìn ra ngoài cánh đồng, ngắm những hòn đất nâu se lại trong cơn lạnh mùa đông, lắng nghe và im lặng nhìn những kỉ niệm ùa trở lại. Kí ức về ngôi trường, về những trò nghịch ngợm, về những người bạn, tưởng chừng như đã chôn chặt ở một chỗ nào đó xa lắm, hóa ra vẫn luôn ở đó, ở một nơi rất gần trong tâm trí, chỉ chờ người chạm đến và kéo nó quay lại.

Ai cũng vậy thôi, kể cả những đứa tưởng chừng như luôn tự đặt mình vào một chỗ và không có chút mối ràng buộc nào với người khác như Khánh Duyên.

Mấy ngày nay, chúng tôi nói chuyện với Duyên nhiều hơn cả ba năm qua cộng lại. Cậu ấy lắng nghe những câu chuyện chẳng khi nào chấm dứt về chuyện thằng nọ lên bảng không thuộc bài bị phạt ra ngoài hành lang đứng ra sao, chuyện đứa kia dùng điện thoại bị thầy thể dục phát hiện và bắt lên văn phòng viết bản kiểm điểm như thế nào. Cậu ấy lắng nghe, khi những dây truyền dịch gắn đầy cánh tay, trong mái tóc ngắn khô xác, nhưng đôi môi đã cong lại thành nụ cười và trong mắt lấp lánh chút niềm vui. Bộ đồng phục, gồm chiếc váy xanh, cái áo sơ mi trắng cùng chiếc khăn quàng đỏ treo ở ngay đầu giường. “Tớ muốn đến trường ngay khi tháo được đống dây dợ lằng nhằng này ra.” – Cậu ấy chỉ vào tay mình đầy bất mãn – “Như kiểu còng số tám ấy, lằn hết cả tay.” Cậu ấy chép miệng làm mặt cười, rồi tôi cũng cười theo. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu được rằng nụ cười ấy gượng gạo thế nào, rằng tôi đang căm ghét lũ dây kia đến thế nào, muốn chạy đến mà giựt tung chúng ra khỏi đôi tay gầy gò xanh xao kia đến thế nào. Nhưng tôi hoàn toàn bất lực, và chỉ còn biết đứng nhìn, rồi cười hùa theo một cách vui vẻ nhất có thể.

- Sắp thi cuối học kì rồi đấy. – Nguyên trầm ngâm.

- Nhanh đến thế cơ à? – Duyên nhướn mày, rồi thở dài – Chẳng biết lúc đấy tớ còn đủ sức mà cầm bút viết không nữa. – Cậu ấy cười méo mó.

- Vớ vẩn! – Tiếng đạp cửa thật mạnh, và Dương chuối hùng hổ xông vào – Mày sẽ còn phải viết và đọc truyện Tàu cùng tao cho đến khi tao không thèm đọc nữa, nên đừng phát ngôn ra mấy câu kiểu đấy nếu không muốn ăn đấm, hiểu chưa? – Con bé giơ giơ bàn tay to đoàng ra và đe. Dương bao giờ cũng suồng sã và bạo lực như thế, nhưng không hiểu sao, cậu ấy giống như Duyên, lại rất thích đọc mấy truyện ngôn tình đam mỹ sến túa chỉ dành cho những cô nàng yểu điệu thục nữ thích mơ mộng.

- Em biết, chị ạ. – Duyên thở dài – Nhưng tay chị đang cầm cái gì thế kia?

- Hoa trạng nguyên chứ còn gì! – Thằng Nguyên nhanh chóng chen mồm vào – Nhìn mấy cánh hoa màu đỏ là biết.

Khánh Duyên khoanh tay lại, nhíu mày:

- Đồ lanh chanh, tớ hỏi Dương cơ mà. Với lại, tớ bảo đấy là lá trạng nguyên thì sao? Nó dài, lại còn gân giếc đầy đủ thế kia cơ mà.

- Trong Từ điển về các loài hoa của Nhà xuất bản Giáo dục, cái quyển sáu mươi hai ngàn ở trong thư viện trường Tiểu học ấy, có ghi rõ ràng trạng nguyên là hoa đấy, đừng cãi. – Nguyên bĩu môi, tỏ vẻ ta-đây-biết-tuốt-đấy-cãi-cùn-làm-gì. Tôi đảo mắt.

- Tớ thích nó là lá thì nó sẽ là lá. – Duyên huýt sáo, bỏ mặc bằng chứng vô cùng xác thực mà thằng Nguyên vừa nói.

Nguyên gân cổ lên cãi:

- Nhưng khoa học khẳng định rằng nó là hoa.

- Là lá.

- Hoa.

- Nó là cây, lũ lắm mồm này! – Dương chuối đổ quạu, cậu ấy chỉ sang Duyên – Con kia, đi học bài ngay cho tao, còn thằng ái nam ái nữ này… - Cậu ấy cốc vào đầu thằng Nguyên một cái – Đi tưới nước cho cái cây đấy, nhanh lên, không thì đừng có trách!

Tôi nhìn ra ngoài bầu trời. Nắng vẫn chưa lên.

________________________________________________________________________

Đến bây giờ, thì trạng nguyên là hoa hay là lá chẳng phải là điều quan trọng nữa.

Chậu trạng nguyên ấy là của cô giáo chủ nhiệm chúng tôi tặng cho Khánh Duyên, một lời chúc đỗ đạt và may mắn. Cũng như tất cả mọi người, cô cũng cố gắng quên đi quãng thời gian hai tháng ngắn ngủi ấy, cũng cứ coi như cậu ấy chỉ bị một căn bệnh bình thường và sẽ sớm qua khỏi.

Nhưng thời gian thì không quên…

Thậm chí, còn chưa hết sáu mươi ngày.

Đến ngày thứ năm mươi ba, cậu ấy ra đi. Không phẫu thuật, không xạ trị, không tiêm thuốc với liều lượng cao, cậu ấy ra đi rất thanh thản, trên chính chiếc giường của mình, xung quanh là những quyển truyện mà cậu ấy yêu thích.

Tôi cảm thấy lòng mình nhẹ bẫng đi, vì có lẽ, quyết định xin cho cậu ấy về nhà trong những ngày cuối là đúng đắn. Cậu ấy được học những bài học cuối cùng, ăn những bữa cơm được thay bằng cháo hoa cuối cùng, ngồi sau xe đạp của một đứa nào đó trong lớp trong những lần đi chơi cuối cùng trong một khung cảnh quen thuộc, với những con người quen thuộc, hít hà thứ hương thơm quen thuộc của phố phường. Cậu ấy nói, đấy là một hạnh phúc. Tôi khâm phục cậu ấy. Thoát ra khỏi bốn bức tường lạnh lẽo của bệnh viện và tận hưởng cuộc sống là điều mà không phải một bệnh nhân nào cũng có đủ can đảm để làm được.

Và tôi chợt nhận ra điều này khi nhìn cậu ấy nằm thẳng trên giường, gương mặt vẫn trắng bệch, mái tóc đã dài hơn một chút và đôi môi còn vương nụ cười:

Hãy sống như thể ngày mai là ngày cuối cùng, như thể mình đang hấp hối và bỗng thấy cuộc đời mới tươi đẹp làm sao, như thể nắng sẽ chỉ còn lên trong ngày hôm nay nữa thôi.

Ngày mai là gì, và ta sẽ đi về đâu, chỉ có Chúa mới biết được…


quay lại trang đã vàotrang chủ
hay thì chia sẻ :
+Click Mở Truyện Mới
1|1|1|1|1454
web site traffic statistics C-STAT U-ON
facebook Quang Hùng
facebook nhatkyc9
g+ nhật ký c9
afk nhật ký c9
afk nhật ký c9